Lớp học online miễn phí giữa buôn làng
Lượt xem:
Học sinh hào hứng
Nằm cách trung tâm gần 50km, buôn Kniêr, buôn Kplang của xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) nằm ở khu vực khá bình yên. Cuộc sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt và chăn thả gia súc. Chính vì vậy, vật nuôi trong nhà luôn được chăm sóc cẩn thận để lấy nguồn thu phụ vào việc học tập của con trẻ.
Thường thường bữa tối diễn ra nhanh gọn để lũ trẻ con kịp giờ ngồi vào bàn học online. Tiếng chào hỏi, trả lời bài học của đám trẻ… rộn ràng trong những mái nhà lúp xúp. Dường như, mọi mệt mỏi, lo lắng thường nhật của những A ma, A mí (cha/mẹ – tiếng địa phương – PV) lại tan biến theo bài học của con.
Ngồi ngay ngắn trước bàn học, em Phan Đức Tấn Byă, buôn Kniêr, học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự đang trả lời câu hỏi của giáo viên bằng thao tác nhấn vào bảng chat trên hộp thoại của ứng dụng học online. Chỉ một lúc, Byă cùng hàng chục bạn trong lớp đã trả lời chính xác. Để tăng thêm phần sinh động trong việc tương tác, thầy giáo còn mời các học sinh bật mic và trả lời câu hỏi.
Cách nhà Byă một con suối là nhà em Y Vui Bkrông, lớp 4B và em H’ Phương Byă, lớp 4D ở buôn Kplang. Lúc này, Bkrông cùng các bạn được thầy giáo hướng dẫn chơi trò “Giúp bạn thỏ tìm đường về nhà”. Các em nhanh chóng biết cách điền số, viết vào các ô số đáp án theo yêu cầu của thầy chỉ trong thời gian ngắn.
Khi trời đã tối, chúng tôi trở lại buôn Kniêr, trong ngôi nhà của em Y Hôn Êban, lớp 4B. Sau hơn 1 giờ học tập, chơi cùng các bạn qua chiếc điện thoại, Y Hôn hào hứng kể: “Hôm nay con được thầy cho học phép tính nhân, chơi trò chơi biểu cảm bằng hình ảnh, giải câu đố. Ngày mai thầy sẽ dạy chúng con học tiếng Việt”.
Lớp học miễn phí của thầy giáo Quang
Đó là không khí của lớp học online do thầy giáo Lương Anh Quang, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, xã Tân Tiến tổ chức miễn phí cho học sinh khối lớp 4.
Năm học 2021 – 2022, thầy Lương Anh Quang được phân công chủ nhiệm lớp 4C. Lớp có 24 học sinh của 2 buôn Kplang và Kniêr, thầy Quang đã đến từng nhà vận động và hướng dẫn các gia đình cho học sinh học online. Đến nay, có 22 em đủ điều kiện học, 2 em được giao bài và hướng dẫn học bài tại nhà.
Nói về lớp học miễn phí của mình, thầy Quang cho biết: Sau 4 buổi thấy không khí lớp học vui vẻ, con em học tập có tiến bộ, phụ huynh các lớp khác cũng xin cho con học cùng. Hiện số học sinh tham gia học online đã gần 50 học trò gồm lớp 4A có 9 em, lớp 4B có 18 em và lớp 4D có 3 em.
“Học online, thiết bị kết nối là điều bắt buộc phải có. Nhưng khó nhất là việc vận động, thuyết phục phụ huynh cùng tham gia với thầy cô. Khi phụ huynh thấu hiểu, cùng chung tay, mọi việc mới thực hiện được. Giờ thì hầu như phụ huynh lớp tôi phụ trách biết cách cùng học và quản lý con”, thầy Quang nói.
Theo đề nghị của phụ huynh, cũng là muốn các em “đỡ quên” kiến thức, thầy Quang sẽ duy trì lớp học đến 15/9, thời gian học từ 7 giờ – 9 giờ các buổi tối thứ 2, thứ 4, thứ 6. Sau đó, sẽ tổ chức theo hướng dẫn của nhà trường. Nếu sau 15/9 học sinh chưa tới trường được tiếp tục tổ chức dạy online 5 buổi/tuần vào khung giờ như trên từ thứ 2 đến thứ 6.
“Để dạy học online hiệu quả, thầy cô phải chịu khó đầu tư về phương pháp dạy học qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Vì nếu không đầu tư, việc kết nối, tương tác sẽ dẫn đến một chiều, gây nhàm chán. Thậm chí, học sinh và phụ huynh sẽ tắt mic, tắt camera để làm việc khác”, thầy Quang chia sẻ.
Cô Lê Thị Minh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) cho biết: Trường có 480 học sinh, trong đó 70% là con em người dân tộc thiểu số. Nhà trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ, điểm khó khăn nhất là ở buôn Kplang. Đây là buôn thuộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Nhà trường đã sẵn sàng các phương án dạy học bảo đảm theo yêu cầu phòng, chống Covid-19. Lớp học của thầy Quang là một trong những điểm sáng cần nhân rộng.
“Trường có 19 giáo viên, trong đó 4 người thành thạo về công nghệ thông tin, số còn lại đều có thể dạy online được. Các thầy cô đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với mọi tình huống. Dĩ nhiên, việc học online hay giao bài không thể có chất lượng bằng dạy học trực tiếp, nhưng vì dịch bệnh, nhà trường cùng giáo viên phải linh hoạt”, cô Hương cho hay.
Chị H’ Kai Byă có 2 con, một đứa còn nhỏ, đứa lớn học lớp 4 Trường Tiểu học Ngô Gia Tự tâm sự: “Gia đình khó khăn không có điện thoại thông minh để con học. Hàng ngày thầy Quang vào đưa bài cho con, hướng dẫn tỉ mỉ từng bài giúp vợ chồng tôi có thể chỉ cho con học. Lâu lâu cô hiệu trưởng cũng ghé hỏi thăm, kiểm tra con học. Hy vọng hết mùa măng này, tôi mua được điện thoại để con học với các bạn. Đời tôi ít học, nhưng giờ phải cố gắng cho con ăn học để sau này đỡ vất vả”.